”À ơi, ả ru hời, a hời ru…” Đó chính là những câu hát, những câu ca của bà, của mẹ, của ngàn xưa thấm đượm. Nó đưa mỗi chúng ta tới những giấc ngủ bình yên, theo chúng ta trên khắp nẻo đường của cuộc sống. Và ở đâu, trên dải đất hình chữ S này, chúng ta đều có thể bắt gặp những hình ảnh như vậy, của các bà, các mẹ, vẫn ngày ngày ru con, ru cháu mình trong những giấc ngủ nồng say. Những câu từ đó, có lẽ chính là sự kết tinh của văn hóa ngàn xưa để lại, từ thời ông cha vẫn còn nghèo đói, từ cái thời tiếng cười đùa của những đứa trẻ chăn trâu vẫn đầy ắp đồng nội quê hương. Nó chính là một nét đẹp văn hóa, một nét đặc trưng của tiếng mẹ đẻ Việt Nam.
Với những ai là con dân Việt Nam hay những ai đã từng một lần tới thăm Việt Nam, có lẽ đều sẽ không thể quên với những hình ảnh về thiên nhiên, con người, những nét đẹp văn hóa đặc trưng mà không nơi nào có. Đó là Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, đó là những đóa hoa sen, tượng trưng cho vị Cha già dân tộc. Đó còn là những chiếc nón lá, tà áo dài, những lễ hội từ ngàn xưa, truyền thống mà hiện đại, du nhập văn hóa bên ngoài mà không mất đi cốt lõi bên trong. Một trong số đó, có lẽ ấn tượng hơn cả với tôi, một kỉ niệm về người ông, tôi đã từng gắn bó suốt ngần ấy năm tháng cho tới bây giờ - Đền Hùng, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương.
Ông tôi ngày còn sống, từng là bộ đội năm nào, ông đã từng nhiều lần lên thăm Đền Hùng, nơi Bác Hồ khi xưa từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Tôi còn nhớ lời ông kể về Đền Hùng ngày ấy, cổ kính hơn, yên bình hơn và đẹp hơn trong con mắt thời bấy giờ.
Hình 1 ( Nguồn Internet )
Lần đầu lên thăm Đền, trong mắt của ông ngày ấy, có lẽ là một sự đẹp đẽ của núi rừng, sự linh thiêng của quê cha đất Tổ, của Nghĩa Lĩnh năm xưa. Chiếc cổng hiện ra, bước dần theo những bậc thang, chầm chậm, như để tìm thấy sự yên ả trong cõi lòng. Rồi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng, tất cả đều cùng tạo nên sự linh thiêng cùng tấm lòng thành kính của mỗi người đến dâng hương. Nơi đây, là đại diện cho tinh thần Uống nước nhớ nguồn, là nơi mà mẹ Âu cơ cùng cha Lạc Long Quân đã sinh ra 100 người con khỏe mạnh, nơi nguồn cội của dòng dõi người Việt. Mỗi chúng ta, có lẽ đều tự hào với dòng dõi con lạc cháu rồng mà ngàn năm tạo dựng.
Lần thăm đầu tiên ấy, ông đã khóc, những giọt nước mắt đã rơi khi câu nói của Bác hiện lên. Có lẽ mỗi người lính bộ đội cụ Hồ đều như vậy, nhớ về cội nguồn, nhớ về Bác Hồ vĩ đại.
Hình 2 ( Nguồn Internet )
Thời gian trôi đi, và nơi ấy lại để ông gắn bó lần thứ hai. Lần này, thật khác, khác xa với sự yên bình, tĩnh lặng năm nào. “Đền Hùng giờ đông lắm, nhiều xe cộ, nhiều hàng quán, nhiều ồn ào lắm”. Ông đã nói như vậy. Có lẽ, thời gian đổi thay khiến nhiều điều cũng thay đổi. Ngọn núi Nghĩa Lĩnh vẫn còn đó, vẫn đứng đó sau hàng ngàn năm. Những ngôi đền cũng vẫn trang nghiêm như năm xưa ông tới. Nhưng xe cộ đông hơn, chen chúc nhau ngày chính hội. Phải chăng do là ngày Quốc lễ nên xe cộ đông hơn ngày thường. Xe đông đồng nghĩa với người đông. Họ chen lấn nhau, cố gắng chen nhau để lên được đền, để đặt những lễ vật và cầu mong cho sự hạnh phúc của họ, gia đình họ, làm ăn, tiền tài. Họ trèo lên cả hàng rào, vườn cây, họ ăn mặc hở hang, quần áo ngắn cũn cỡn. Họ có ý thức được rằng, mình đang đi đâu không? Mình đang làm gì không? Và mình tới đây vì mục đích gì không? Vì lòng thành kính từ tâm can, hay vì nguyên nhân vụ lợi nào khác. Nhìn những cảnh đó, nghĩ tới cảnh đó, và kể cho tôi nghe, ông buồn lắm. Ông buồn cho một lễ hội linh thiêng, nơi Vua Hùng an nghỉ mà ngày càng lộn xộn biết bao.
Nghe kể thôi mà thấy đi lễ hội như đi đánh trận. Ai ai cũng xô đẩy, dàn hàng, không trật tự. Có lẽ, đâu đó quanh dòng người chen chúc kia, là những cụ già, những em nhỏ, những người thực tâm lên Đền dâng hương. Giữa dòng người nườm nượp như vậy, thử hỏi họ sẽ ra sao?
Hình 3 ( Nguồn Internet )
Con đường lên tới Đền Thượng là thế. Dưới chân núi lại là một khung cảnh khác. Đó là những hàng quán, đồ lưu niệm. Đó là những âm thanh xáo trộn, ầm ĩ. Đó là những lời mời chào, những tiếng rao la,… thậm chí là cả những câu từ thiếu thuần phong mĩ tục. Vậy có phải đó là một phần của lễ hội chung ngày nay?
Lần đó là lần cuối cùng ông tôi tới Đền Hùng. Nhưng còn nhiều thứ tôi đã hỏi ông về những buổi lễ sau này. Đôi mắt kèm nhem, những nếp nhăn đã trĩu nặng, lấy đi sự tinh anh của đôi mắt một thời. Ngồi theo dõi với chiếc ti vi, ông nói:
- Đền Hùng vẫn thế, quang cảnh vẫn thế, dòng người vẫn tấp nập, và còn nhiều điều kì lạ quá cháu à.
- Điều kì lạ hả ông? – tôi đã thốt lên
- Ừ, điều kì lạ.
Trong lời nói của ông, đó vẫn là những sự bất cấp như ngày đó, nhưng dường như nó vẫn chưa được sửa. Có phải cuộc sống hiện đại đã làm cho người ta chây lì về mặt cảm xúc hơn, người ta muốn nhanh hơn, vội vàng hơn, bất chấp hơn để đạt được mục đích. Tôi đã từng nghĩ vậy. Nhưng tôi biết rằng, đó cũng chỉ là một bộ phận số ít, những con sâu làm gàu nồi canh mà thôi.
Tới với Đền Hùng ngày nay, có lẽ sự kì lạ còn nằm ở những chiếc bánh chưng, bánh giầy khủng, năm sau to hơn năm trước, năm sau phá kỉ lục năm trước. Tôi biết rằng, họ làm nó vì lòng thành kính để dâng lên các Vua Hùng. Nhưng thật sự là cần chiếc bánh to như vậy để tỏ lòng thành kính, hướng về cội nguồn sao? Ngày xưa, Lang Liêu cũng làm bánh chưng, bánh giầy kính dâng Vua cha. Bánh chưng cho đất, bánh giầy cho trời. Nhưng những chiếc bánh ấy cũng chỉ nằm gọn trong bàn tay, đặt nằm trọn vẹn, đẹp đẽ dâng lên. Lòng hiếu thảo đã giúp Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7, tiếp tục trị vì giang sơn bờ cõi.
Hình 4 ( Nguồn Internet )
Vâng. Chỉ cần có thế. Lễ vật dù nhỏ, nhưng lòng hơn trời. Ta nên biết rằng, ngoài kia, còn bao nhiêu người dân nghèo đói, bao nhiêu người thiếu thực phẩm để ăn, bao trẻ em chưa có miếng thịt nào suốt mấy tháng trời. Các em khổ lắm, họ khổ lắm. Giá chúng ta để những nguyên liệu làm bánh ấy, hỗ trợ họ, có lẽ rằng, các Đức Vua Hùng cũng sẽ vui hơn. Người vui vì con cháu mình, biết yêu thương, biết đùm bọc, hướng về nguồn cội. Người vui vì sau bao thăng trầm của lịch sử, nước Văn Lang ngày nào, bây giờ đã trở thành Việt Nam, vẫn no ấm và ngày càng phát triển.
Tuy ông đã ra đi. Người đã về với thế giới cực lạc Tây phương. Nhưng những lời nói ấy vẫn còn văng vẳng trong tôi, đượm sâu mà thanh thoát. Lễ hội ngày xưa, lễ hội ngày nay, tất cả cuối cùng cũng hướng về nguộn cội dân tộc, những giá trị văn hóa ngàn đời. Nhưng hãy đừng làm những gì nhếch nhác, những gì không đẹp, hãy sửa mình để thấy mình tiến bộ hơn, văn minh hơn rồi tâm mình sẽ an bình, thoát tục.
Bài thơ, tôi xin gửi tới ông, gửi tới những ai tới lễ hội Đền Hùng. Hãy lấy cái tâm mình để làm nên một lòng thành kính, muôn người, ngàn người về đất Tổ linh thiêng.
Đền Hùng từ ông tôi
Ngày thuở ấy ông kể với tôi
Về một nơi ông đã từng bước tới
Nơi ngày xưa hiện về trong mong đợi
Đất tổ, Vua Hùng, Phú Thọ, ông đi.
Người bước tới nơi đất Tổ diệu kì
Nơi các vua Hùng ngày xưa dựng nước
Nơi Bác năm xưa vẫn đang còn đứng bước
Gìn giữ nước mình, trách nhiệm mỗi cháu con.
Rồi Người kể với tôi về ngày ấy
Khu đất này vẫn còn vẻ nguyên sơ
Chẳng phồn hoa tấp nập giống bây giờ
Nhưng yên tĩnh chốn linh thiêng thuần khiết.
Mùng 10 tháng 3 như mỗi người đã biết
Dải hành trình về đất Tổ linh thiêng
Núi Nghĩa Lĩnh rồi điện Kính Thiên
Nơi Đền Hùng – di tích quốc gia đặc biệt.
Từ chân núi theo dòng người đất Việt
Bước chậm dần theo những nấc bậc thang
Sau mỗi bậc như trút bỏ gian nan
Của cuộc sống, tĩnh tâm nơi nguồn cội.
Tới Đền Hạ còn lưu truyền vang dội
Mẹ Âu Cơ sinh trứng, bọc trăm con
Nửa người xuống biển, nửa lên non
Người con trưởng, xưng Hùng Vương ngày trước.
18 đời Hùng Vương nối bước
Nước non nhà đẹp mãi thuở Văn Lang
Nơi dân Việt mở ấp, tạo làng
Nhớ công đức của mẹ cha Thủy Tổ.
Tới đền Trung nơi Lang Liêu đức độ
Nghĩ bánh chưng, bánh giầy kính Vua cha
Lòng hiếu thảo là cốt của mọi nhà
Trở thành vua, đời Hùng Vương thứ 7.
Nơi tọa lạc ngàn năm ta vẫn thấy
Đỉnh núi Cả, Nghĩa Lĩnh năm xưa
Nơi đền Thượng, vẫn Tế lễ, cầu mưa
Dận no ấm, nước non nhà bền vững.
Nơi lăng mộ cả ngàn năm còn đó
Của Vua Hùng thứ 6, của dân ta
Người ở đây nom bờ cõi nước nhà
Cho con cháu, muôn đời sau gìn giữ.
Nơi đền Thượng, nơi uy nghiêm, hùng cứ
Đất long mạch mãi mãi tỏa khói hương
Đứng mường tượng cảnh núi trong sương
Sự bình yên nơi núi rừng Nghĩa Lĩnh.
Còn đền Giếng, trong cuộc hành trình chính
Nơi Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung
Kinh lý qua cùng Vua cha oai hùng
Để tưởng nhớ, lập đền thờ cúng lễ.
Ông tôi bảo thời bấy giờ là thế
Sự bình yên, uy thế cõi đất này
Nhưng bây giờ nhiều thứ đã đổi thay
Chẳng giống lễ, cũng ồn ào như hội.
Từng dòng người nượp về ngày chính hội
Hỏi rằng sao, tắc nghẹn nửa đường
Chẳng xếp hàng, trật tự để dâng hương
Người chen lấn, đạp lên nhau mà đứng.
Trèo hàng rào, bồn cây, thành cứng
Chẳng nề hà biển cấm cõi trang nghiêm
Chỉ mục đích, vào được chốn linh thiêng
Vào đền chính, cầu mong bao điều ước.
Dưới chân núi thì toàn hàng lưu niệm
Giá cắt mình, âm nhạc điểm tô thêm
Rộn rã, ầm vang một khoảng thềm
Nghe như tiếng, âm thanh hành tinh lạ.
Rồi những người ăn mặc như thật lạ
Những chiếc bánh được làm thật kì công
Phá kỉ lục, rồi lại kỉ lục xong
Nhưng thử nghĩ các Vua Hùng cần đến.
Người có lẽ chỉ cần lòng kính mến
Chiếc bánh thì chỉ cỡ bánh Lang Liêu
Giầy cho trời, Chưng cho đất kính yêu
Chỉ cần thế, làm ơn đừng nhếch nhác.
Lòng thành kính, từ tâm người sẽ khác
Hãy để cho lễ hội văn minh
Đừng để nhiều can thiệp của an ninh
Nên mỗi người hãy tự rèn ý thức.
Rèn cái tâm, sáng trong trong tiềm thức
Nét đẹp tâm hồn, ngự trị trong tim
Các Vua Hùng giờ cũng đã nghỉ yên
Đừng đánh thức, giấc ngàn thu vĩnh cửu.
Ông tôi bảo tâm mình trong sáng
Uống nước nhớ nguồn, gìn giữ trong tim
Lòng thành kính, giữ nó trong bình yên
Đừng khuấy động, khoa trương nhiều không tốt.
Ông ra đi, tới nơi đâu chẳng biết
Chỉ biết lời Người, dạy bảo khi xưa
Trong lời nói, về Phú Thọ ngày xưa
Như thấy được, sự tự hào ngày ấy.
Một Đền Hùng, ngày xưa là như vậy
Nét đẹp một thời, trong tâm trí ông tôi.
Tác giả bài viết: Đặng Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn