
Sinh ra ở đất võ Bình Định, giữa thời cuộc rối ren, đất nước chìm trong bóng quân thù, chàng trai Võ Văn Hiến đã xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của non sông. Ông có mặt trong những trận đánh nổi tiếng ở liên khu 5 và mặt trận Tây Nguyên. Năm 1954, ông tham gia trận đánh cuối cùng đẩy lùi quân Pháp ra khỏi Buôn Ma Thuật. Lệnh tập kết, ông là cánh quân đầu tiên theo tàu Ba Lan ra miền Bắc.
Ông được biên chế trong Sư đoàn 305, một đơn vị đã đi vào huyền thoại với những chiến công lẫy lừng. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1957. Năm 1959, ông là 1 trong những học viên đầu tiên được cử sang Trung Quốc học về tàu ngầm. Với tố chất thông minh, nhạy bén, Võ Văn Hiến lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ những bài học về vật lý siêu âm dưới nước, quan sát, chế tạo tàu ngầm… Ông biết ba ngoại ngữ là Trung Quốc, Tiếng Anh và Tiếng Nga. 7 năm du học, trở về nước, ông mang theo khối lượng kiến thức bổ ích áp dụng vào thực tiễn công việc. Tuổi trẻ miệt mài theo lý tưởng, khi trở về, ông may mắn gặp được bà nhà là hoa khôi xứ Huế, dịu hiền, nết na, hết mực yêu chồng, thương con, làm hậu phương vững chắc để ông yên tâm công tác. Gia đình của ông, tính từ đời ông, ba đời là lính. Ông và bà đều là lính hải quân, con gái đầu và cháu ngoại của ông cũng là người lính. Phó CT Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ Việt Nam : Đại tá Võ Văn Hiến còn là nguyên Chủ tịch Hội cựu Chiến binh quận 1 (TP Hồ Chí Minh) . Cuộc đời ông ngoài những chiến công hiển hách, ông còn đã làm được rất nhiều những điều to tát Ví dụ như: Trả lại danh dự cho một đồng chí bị hàm oan suốt 25 năm. Đó là trường hợp người lính hải quân công tác tại Khánh Hòa, bị tổ chức khai trừ khỏi Đảng vì nghi ngờ tham gia tổ chức Quốc dân Đảng. Suốt 25 năm, người lính này ôm đơn đi gõ cửa các cơ quan từ địa phương đến tận trung ương. 25 năm, tóc một con người đã bạc, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng danh dự bị mất thì có chết cũng không nhắm được mắt. Hiểu thấu nỗi lòng của đồng đội, phải thật sự có oan khiên thì người ta mới lặn lội đi đòi lại công lý gian truân và trường kỳ như vậy, Quyết tâm tìm cho ra lẽ phải, ông âm thầm về những nơi người đồng đội từng sống và sinh hoạt, gặp các cụ bô lão, những người có uy tín trong Đảng và nhân dân xác minh. Tất cả họ đều ký xác nhận: “Ở địa phương không tổ chức Quốc dân Đảng để đồng chí đó tham gia”. Đến các vị lãnh đạo cấp cao cũng khẳng định, đồng chí đó tốt, vào thời điểm ấy không có tổ chức Đảng phái nào hoạt động tại địa bàn thì không thể nói họ tham gia được. Cuối cùng người đồng chí của ông đã được giải oan, được khôi phục danh dự đảng viên cộng sản. Ví dụ như: Xây dựng khu du lịch giúp những cựu chiến binh trở về chiến khu Rừng Sác. Ông nguyên là trưởng Phòng Cán bộ Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ông cũng từng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TPHCM, ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh TPHCM, CT Hội Cựu chiến binh quận 1. Trong quá trình công tác, ông cứ trăn trở, cứ nghĩ suy: “Những cựu chiến binh vốn chịu nhiều đau thương, mất mát, sao không có một khu nghỉ dưỡng dành cho họ?”. Và ông được các anh em cựu chiến binh hưởng ứng nhiệt tình khi đem ý tưởng này trình bầy với họ. Ông đã thăm dò, tham khảo rất nhiều nơi, qua nhiều người để đến được xã Long Hòa mua đất. Ngày ông mua đất, tuy không đủ tiền nhưng chủ đất vẫn cho thiếu nợ. Anh em cựu chiến binh mỗi người góp một ít, nhờ thế mới có khu du lịch ngày nay . Giờ đây , vùng đất khô cằn ở Cần Giờ - TPHCM đã trở thành khu du lịch sinh thái biển phục vụ du khách gần xa. Để hình dung một cách tổng quát, Minh Huệ xin giới thiệu tiểu sử của ông: Chân dung Phó chủ tịch HĐ DH Võ – Vũ Việt Nam : Đại tá Võ Văn Hiến Ông VÕ VĂN HIẾN, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1935 ( trên giấy tờ còn tuổi thật là sinh năm 1932) , quê quán xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện cư ngụ tại số 71/2, đường Tân Mỹ, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.Từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 11 năm 1951 : Ông là chiến sĩ Trường Hạ sỹ quan Trung đoàn 803 - Liên khu 5 .
Từ tháng 12 năm 1951 đến tháng 2 năm 1954 : Ông là học sinh Trường phổ thông cấp II Hoài Nhơn, Bí thư Hiệu Đoàn học sinh.
Từ tháng 3 năm 1954 đến tháng 8 năm 1958 : Ông là chiến sĩ, Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 108 (chiến trường Tây nguyên) Liên khu 5. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 1957.
Từ tháng 8 năm 1958 đến tháng 10 năm 1959 : Ông là Học viên Trường Văn hóa Quân đội - Lạng Sơn.
Từ tháng 10 năm 1959 đến tháng 2 năm 1966 : Ông được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự - Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), Chuẩn úy,Thiếu úy.
Từ tháng 3 năm 1966 đến tháng 8 năm 1982: Ông là Trợ lý Kỹ thuật Đảng ủy viên X56, Trợ lý Cán bộ Quân chủng Hải quân, Thiếu tá; Phó trưởng Phòng Cán bộ Quân chủng Hải quân, Trung tá.
Từ tháng 9 năm 1982 đến tháng 7 năm 1983: Ông được cử đi học lớp bổ túc Trung Cao - Học viện Chính trị Quân sự Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 8 năm 1983 đến tháng 10 năm 1990: Ông là Quyền trưởng phòng Cán bộ Quân chủng Hải quân, Đảng ủy viên Cục Chính trị Quân chủng Hải quân ; Đại tá Trưởng phòng Cán bộ Quân chủng Hải quân, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị Quân chủng Hải quân.
Từ tháng 11 năm 1990 đến tháng 1 năm 1992: Ông là Đại tá chuẩn bị nghỉ hưu.
Từ tháng 01 năm 1993 đến nay : Ông vào Hội Cựu Chiến binh, là cán bộ Hội các cấp đến Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận, từ năm 2000 là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam quận 1. Đại biểu HĐND Quận I khóa 1999 – 2004 Ứng cử viên đại biểu HĐND Thành phố Khóa VII (Nhiệm kỳ 2004 – 2009 ) Hiện nay ông là Chủ tich HĐDH Vũ – Võ Phương Nam; Phó Chủ Tịch HĐDH Vũ – Võ Việt Nam
Trong quá trình tham gia cách mạng, Ông được tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng III; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I; Huy chương chiến thắng hạng II; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng I, II, III. Tự hào thay vị Phó CT HĐ DH Vũ – Võ Việt Nam chúng tôi. Mong ông và các vị trong ban chấp hành lãnh đạo, dẫn dắt con cháu dòng họ làm rạng danh tiên tổ, góp phần xây dựng đất nước hùng cường. Vũ Minh Huệ
